Bé Lương Phước được rửa tội tại Giáo xứ An Phú, GP Phú Cường ngày 04-11-2012
Chuẩn bị
Chúa Nhật XXIV thường niên - Năm B ĐÁP CA: Tv 114, 1-2. 3-4. 5-6. 8-9
|
Đáp: Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh (c. 9).
Xướng: 1) Tôi yêu mến Chúa, vì Chúa đã nghe tiếng tôi cầu khẩn, vì Chúa đã lắng tai nghe lời tôi, trong ngày tôi kêu cầu Chúa. - Đáp.
2) Thừng chão tử thần đã quấn lấy tôi, và màng lưới âm phủ đã chụp trên người tôi; tôi đã rơi vào cảnh lo âu khốn khó. Và tôi đã kêu cầu danh Chúa: "Ôi lạy Chúa, xin cứu vớt mạng sống con!" - Đáp.
3) Chúa nhân từ và công minh, và Thiên Chúa của chúng ta rất từ bi. Chúa gìn giữ những người chất phác; tôi đau khổ và Người đã cứu thoát tôi. - Đáp.
4) Bởi người đã cứu tôi khỏi tử thần, cho mắt tôi khỏi rơi lệ và chân tôi không quỵ ngã. Tôi sẽ tiến đi trước thiên nhan Chúa trong miền đất của nhân sinh. - Đáp.
|
NỀN VĂN MINH MỚI
|
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
|
Vào năm 2000, hàng tỷ người trên thế giới say mê theo dõi những cuộc tranh tài giữa các vận động viên hàng đầu của hành tinh trong Đại hội Olympic Sydney. Điểm đặc biệt của Olympic cuối cùng của thiên niên kỷ này là có sự tham dự của các vận động viên phụ nữ. Đây là một điểm son không của riêng Olympic mà của cả nhân loại. Điều đó chứng tỏ phụ nữ đang được trân trọng. Càng ngày vị trí của người phụ nữ càng được nâng cao. Nữ giới đang đi vào bình đẳng với nam giới trên hầu hết mọi lãnh vực. Thế giới đang đi vào một nền văn minh mới mà Đức Giêsu tha thiết truyền dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thời xa xưa, khi còn sống hoang dã, con người ta đối xử với nhau thật tàn nhẫn. Người ta tranh giành thực phẩm. Người ta tranh chấp đất đai. Tất cả đều theo định luật cạnh tranh sinh tồn. Trong cuộc cạnh tranh thì dĩ nhiên mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé.
Khi con người đã biết tổ chức thành xã hội, sự cạnh tranh được định chế hóa trong giai cấp, quyền chức. Người có quyền có chức bao giờ cũng được lợi. Người dân đen thấp cổ bé miệng bao giờ cũng phải chịu thiệt thòi. Người nghèo không được có tiếng nói. Chính vì thế, ai cũng cố gắng vượt lên trên người khác hoặc bằng tiền bạc hoặc bằng chức quyền. Ai cũng muốn làm người đứng đầu. Ai cũng muốn làm lớn. Vì thế luôn luôn có sự cạnh tranh ngôi thứ. Trong cuộc cạnh tranh, người ta nhìn nhau như đối thủ cần phải chà đạp, cần phải loại trừ.
Hôm nay, khi thấy các môn đệ có dấu hiệu ham hố chức quyền, cạnh tranh ngôi thứ, Đức Giêsu đã nhân cơ hội dạy cho các ông biết tinh thần mới mà người môn đệ trong Nước Thiên Chúa phải có. Đó là: “Ai muốn làm đầu, thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Đây thật là một cuộc cách mạng. Vị trí trong xã hội bị đảo lộn. Người đứng đầu không còn phải để ra lệnh, nhưng để phục vụ. Người làm lớn không còn ăn trên ngồi trốc, nhưng chọn chỗ hèn mọn nhất. Người bé nhỏ nhất trở nên người lớn nhất. Người yếu đuối nhất trở nên người được trọng vọng nhất.
Đây là một cuộc cách mạng không đổ máu. Vì người đứng đầu trở thành người phục vụ không phải vì ép buộc nhưng do tự nguyện. Vì người làm lớn xuống chỗ hèn mọn nhất không buồn sầu nhưng trong niềm vui. Thế giới biến đổi không do những đấu tranh giành quyền lợi, nhưng do người có quyền tự nguyện từ bỏ đặc quyền đặc lợi.
Với lời dạy dỗ ấy, Đức Giêsu đã mở ra một nền văn minh mới. Trong nền văn minh mới này, người ta không còn nhìn nhau như những đối thủ phải loại trừ trong cuộc cạnh tranh. Người ta nhìn nhau như những người anh em phải yêu thương nâng đỡ. Sẽ không còn tranh giành. Sẽ không còn xâu xé, chà đạp nhau. Sẽ chỉ có yêu thương. Sẽ chỉ có quan tâm nâng đỡ. Người mạnh sẽ quan tâm dắt dìu người yếu. Người lớn sẽ cúi xuống bồng bế người bé. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho ta, chính Đức Giêsu đã tự hạ mình trước. Là Thiên Chúa, nhưng Người đã tự nguyện trở nên người phàm. Là Đấng cầm quyền, nhưng Người đã tự nguyện vâng lời. Là thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là người lãnh đạo, nhưng Đức Giêsu không đòi hỏi đặc quyền đặc lợi, trái lại Người sẵn sàng hiến mạng sống để cứu chuộc nhân loại.
Người đã hóa thân làm một con người bé nhỏ, nghèo túng, hèn yếu nhất. Để từ nay, ai đón tiếp một người bé nhỏ nhất là đón tiếp chính Người. Ai giúp đỡ một người yếu hèn nhất là giúp đỡ chính Người. Ai yêu mến một người nghèo túng nhất là yêu mến chính Người.
Với sự hạ mình của Người, số phận con người từ nay thay đổi tận gốc rễ. Người bé nhỏ trở thành đối tượng được quan tâm phục vụ. Người yếu đuối được nâng niu chăm sóc. Người nghèo hèn được kính trọng yêu thương. Vì họ đã trở thành hình ảnh của chính Thiên Chúa.
Từ nay, nhân loại đi vào một nền văn minh mới, nền văn minh của tình thương. Nhân loại không còn tranh chấp nhau, nhưng trở nên anh em đoàn kết thương yêu nhau. Sức khỏe, của cải, chức quyền không phải là những phương tiện để chà đạp, nhưng là những phương tiện phục vụ. Lãnh đạo không còn là một quyền lợi, nhưng trở thành một nhiệm vụ nặng nề vì phải quan tâm phục vụ mọi người.
Suy gẫm Lời Chúa dạy hôm nay hẳn phải khiến ta giật mình lo lắng. Không những ta không đi vào con đường Chúa đã vạch ra, mà rất nhiều khi còn chống lại Lời Chúa dạy bảo. Ta vẫn nuôi những tham vọng thống trị người khác. Ta vẫn muốn chiếm giữ những địa vị quan trọng. Ta vẫn coi thường những người bé nhỏ, hèn yếu. Ta đang đi ngược trở lại thời tiền sử. Ta đang đi ngược lại con đường Chúa đã đi.
Hôm nay Chúa mời gọi ta hãy trở lại con đường của Chúa. Hãy tự nguyện trở thành người bé nhỏ khiêm nhường. Hãy biết nâng dậy những số phận hẩm hiu. Hãy biết kính trọng những mảnh đời nghiệt ngã. Hãy góp phần xây dựng nền văn minh mới, trong đó những người yếu đuối như phụ nữ và trẻ em được quan tâm và được kính trọng.
Lạy Trái Tim Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, xin uốn lòng con nên giống Trái Tim Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Ngày nay, trẻ em phụ nữ, những người bệnh tật được quan tâm hơn ngày xưa. Bạn có thấy đó là dấu hiệu Lời Chúa dạy đang được thực hiện không?
2) Tại sao Chúa Giêsu sinh làm một người bé nhỏ, nghèo hèn?
3) Tại sao con người không nên tranh chấp nhau nhưng phải yêu thương phục vụ nhau?
|
Giải thích chữ viết tắt sau tên các Linh Mục - Tu Sĩ dòng tại Việt Nam. Các Linh Mục, Tu Sĩ trong các dòng ở Việt Nam thường viết thêm vào sau tên mình một vài mẫu tự. Ví dụ: Viện Phụ Phan Bảo Luyện, S.O.C. Đan Sĩ: Hoàng Thanh Trương, O.S.B. Đan sĩ Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh, O.C.D. Sư Huynh Nguyễn Văn Tân, F.S.C Lm. Mạnh Thư, C.M.C. Lm. Phạm Trung Thành, C.Ss.R. Lm. Trần Đức Anh, O.P. Lm. Nguyễn Trung Tây, S.V.D Lm. Vương Đình Khởi,O.F.M. Lm. Savio Trần Ngọc Tuyên, O.H. Lm. Trần Anh, S.J. |