Chúa Nhật 24 Thường Niên – Năm B
Câu hỏi của Đức Giê-su đặt ra tại Xê-ra-rê một ngày nọ đã khiến các môn đệ lúng túng: ‘Người ta bảo Con Người là ai?”. Câu trả lời “chung chung” của các ông đã làm chứng cho sự lúng túng đó.:“Kẻ thì bảo là Êlia, người lại cho là ngôn sứ nào đó.”(Mc 8: 28). Rồi, Chúa hỏi thẳng:“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” (Mc 8: 29) Tông đồ Phêrô đã đại diện nói thay:“Thầy là Đức Kitô.”
Chúa Giê-su là ai? Câu hỏi này đã từng thôi thúc biết bao người, trải dài suốt hơn hai mươi thế kỷ. Trong số những người tìm hiểu về Chúa, có những người tin và những người không tin, có những người yêu Chúa và những người ghét Chúa. Người yêu Chúa thì tìm ra nơi Người con đường dẫn tới Chúa Cha; người ghét Chúa cố tình diễn tả Chúa như một nhân vật xa xưa hôm nay đã trở thành lỗi thời.
Dù thuộc trào lưu tư tưởng nào, nhân vật Giê-su vẫn là một đề tài cho những tìm kiếm học hỏi của con người. Và như thế, câu hỏi “Anh em bảo Thày là ai?”, vẫn luôn mang tính thòi sự. Đối với các tín hữu Ki-tô, việc xác định Chúa là ai rất quan trọng, vì niềm xác tín này là tiêu chuẩn lượng giá cho chất lượng cuộc sống, đồng thời chi phối mọi hoạt động, tư tưởng của họ. Nói cách khác, nếu tôi nhận ra nơi Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì cuộc đời tôi sẽ rập mẫu theo giáo huấn của Người. Tôi sẽ khám phá ra mỗi ngày niềm vui của những ai theo Chúa. Tôi sẽ sẵn sàng để cho lời Chúa hướng dẫn và soi sáng trọn vẹn cuộc đời tôi.
Như thế, người tín hữu Ki-tô chọn Đức Giê-su làm thần tượng cho cuộc đời mình. Một khi chọn Người làm thần tượng, chúng ta sẽ cố gắng mỗi ngày để lời nói chúng ta là lời của Chúa, việc làm, suy nghĩ của chúng ta là việc làm, suy nghĩ của Chúa. Đó là một trong những ý nghĩa của danh xưng “Ki-tô hữu”. Thánh Gia-cô-bê đã rất cụ thể trong những lời khuyên thực hành bác ái (Bài đọc II). Bác ái không phải là những khẩu hiệu, không phải những lớp sơn màu mè bên ngoài, nhưng là những việc làm cụ thể, được thực hiện với tâm tình của Đức Giê-su, tức là lòng yêu mến, hy sinh và phục vụ.
Khi chuyên tâm học hỏi xem Đức Giê-su là ai, chúng ta còn được gặp gỡ Người nơi anh chị em đồng loại. Bởi lẽ chính Chúa đã tự đồng hóa mình với những người nghèo khổ bất hạnh, những người khốn cùng không chốn tựa nương. Chúng ta sẽ gặp gỡ Chúa khi trao tặng cho họ niềm vui, nụ cười, sự động viên khích lệ về tinh thần cũng như vật chất.
Như vậy, hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Anh em, anh em bảo Thầy là ai?” là một hành trình lâu dài, bền bỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn và hy sinh. Đó là một hành trình bao trùm trọn vẹn cuộc sống của người tín hữu. Sẽ là một ảo tưởng nếu cho rằng đây là một hành trình dễ dàng. Con đường theo Chúa rất dài, với những thử thách chông gai chẳng ai tránh khỏi. Tông đồ Phê-rô chưa được chuẩn bị để đón nhận sự kiện thập giá, nên vừa khi nghe thấy Thày mình nói về cuộc khổ nạn, ông đã phản ứng, kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Lời trách của Phê-rô thể hiện một thái độ không chấp nhận hy sinh. Điều này cũng cho thấy một quan niệm về Đấng Messia theo kiểu vương hoàng trần thế, chinh phục các dân nước bằng phương pháp và phương tiện trần gian.
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Con đường theo Chúa là con đường của thập giá. Khước từ thập giá sẽ làm cho ta không còn là môn đệ của Đấng đã hiến mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người.
Vì thế, người tín hữu là người đang nỗ lực mối ngày để trả lời cho câu hỏi: “Đức Ki-tô là ai đối với tôi”. Câu hỏi thì dễ, mà câu trả lời lại rất khó, vì nó đòi hỏi chúng ta phải thể hiện bằng cuộc sống cá nhân suốt đời.
Những khó khăn thử thách chúng ta gặp phải trong hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi của Chúa không làm chúng ta nhụt chí, vì có Chúa luôn ở gần chúng ta. Lời cầu nguyện đầy lòng xác tín của ngôn sứ I-sa-ia đã chứng minh điều đó (Bài đọc I): “Này đây Chúa là Thiên Chúa bênh đỡ tôi, ai dám kết tội tôi?” Ước chi đó cũng là niềm xác tín của mỗi chúng ta. Amen
+Gm Giuse Vũ Văn ThiênTGM Hải Phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét