Chúa Nhật 24 Thường Niên – B
(Ds.21, 4-9; Pl.2, 6-11; Ga.3, 13-17)
(Ds.21, 4-9; Pl.2, 6-11; Ga.3, 13-17)
Đã là người, không ai tránh khỏi thập giá. Thập giá có thể làm tê
liệt hoặc hủy hoại con người, nhưng nó cũng có thể là phương tiện giúp
người ta nhận ra sự thực về chính mình, giúp người ta gần gũi và tùy
thuộc Thiên Chúa hơn.
i. Thập Giá
Khi một người đang đi xe
trên đường, gặp một cây lớn nằm vắt ngang; việc đưa chiếc xe vượt qua
cản trở này là một vất vả với họ; cây nằm ngang đường đúng là “thập
giá”. Tùy cây đó lớn nhỏ mà người ta có thể vượt qua chướng ngại đó hay
không. Chuyện cái cây vắt ngang đường chỉ là một hình ảnh, “thập giá”
cũng có thể là “cây” mà người ta đã ấn trên vai Đức Yêsu, và bắt Ngài
vác ra gò Sọ, nơi mà chẳng ai muốn cho mình. Trên đường đời, có bao
nhiêu cản trở vắt ngang; nó có thể là những bệnh tật, những thất bại
trong đường công danh sự nghiệp, điều không được như ý trên đường tình duyên.
Thập giá đã hủy diệt nhiều người, nếu người ta không vượt qua được mà
cũng không sẵn sàng chấp nhận thập giá. Có nhiều người cảm thấy bất
hạnh khi gặp những bệnh nan y, thế nhưng cũng có những người chấp nhận
bệnh hoạn, và vui sống trong hoàn cảnh của mình. Có những người mắc bệnh
phong, nhưng vẫn vui trong tình trạng và hoàn cảnh của họ; họ còn lạc
quan hơn nhiều người không mắc bệnh gì.
Vượt qua cái cây đổ ngang trên đường, là điều có thể làm được. Tránh khỏi thập giá người ta ấn trên vai như trường hợp Đức Yêsu bị dẫn trên đường đến gò Golgotha, là điều
không thể. Có lúc người ta vượt qua thập giá, nhưng có lúc người ta
phải chấp nhận thập giá; chấp nhận thập giá cũng là một cách vượt qua
thập giá. Đức Yêsu là người đã vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; và
các Kitô hữu anh hùng tử đạo cũng là những người đã noi gương Đức Yêsu,
vượt qua thập giá bằng cách chấp nhận; các ngài đã lãnh nhành thiên
tuế.
ii. Thập Giá của Đức Yêsu
Thời Đức Yêsu, người Do Thái sống dưới ách thống trị của người Roma, hình phạt chết treo thập giá là một điều
khủng khiếp, một mối nhục. Người Roma không bị kết án chết trần truồng
trên thập giá. Án thập giá chỉ dành cho những dân bị trị. Án thập giá là
án ô nhục nhất giữa những hình phạt dành cho tội nhân. Đức Yêsu đã bị
thi hành án ở gò Sọ, gần thành Yêrusalem, bên đường đi.
Sở dĩ những người lãnh án bị hành hình nơi có người qua lại như thế, là
nhằm răn dạy những người còn sống: nếu họ hành xử như vậy, họ cũng sẽ
bị hình phạt như thế. Những người cầm quyền mong rằng, khi người ta nhìn
thấy cảnh khủng khiếp của những tội nhân tử hình như vậy, người ta sẽ
khiếp sợ mà không phạm tội nữa.
Đức Yêsu đã bị chết treo thập giá giữa hai người trộm cướp.
Ngài bị người ta liệt vào đồng hàng với những người tệ nhất trên đời.
Hình phạt tử hình thập giá cho Ngài như cao điểm thập giá trong đời Ngài, tuy nhiên thập giá đã không thiếu trong suốt đời Đức Yêsu. Sinh trong một gia đình nghèo, thiếu điều
kiện sống và ăn học, cũng là thập giá đối với nhiều người; sống trong
một làng nghèo, với nhiều người, cũng là một thập giá. Khi đi rao
giảng, Đức Yêsu đã bị nhiều người chống đối; Ngài bị người ta cho là
người mất trí, một kẻ lộng ngôn phạm thượng, một kẻ thuộc phe quỷ vì lấy
quyền của tướng quỷ mà trừ quỷ, một tội nhân. Bao nhiêu chống đối, bao
nhiêu bất lợi trên đời: đó cũng là những thập giá đối với Đức Yêsu.
Đức Yêsu đã không bị hủy diệt bởi dư luận, bởi thế lực phàm trần.
Người ta có thể vu oan giá họa cho Ngài, người ta có thể giết Ngài,
nhưng người ta không thể bắt Ngài khuất phục. Ngài là con người tự do
với tất cả: tự do với tiền bạc, tự do với dư luận khen chê, tự do với
mọi thế lực hãm hại Ngài. Ngài vẫn cố sống cho ra người, trong mọi hoàn
cảnh, và sống yêu thương. Tất cả những hoàn cảnh và thái độ của người ta
đối với Ngài, vẫn không thay đổi được thái độ thẳm sâu của Ngài đối với
mọi người: yêu thương. Ngài yêu thương tất cả con người, thông cảm với
những giới hạn của con người, ngay cả đối với những người thù ghét và
giết chết Ngài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm chẳng biết”.
iii. Thập giá trôi luyện con người
“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Đường gian nan, sông khúc khuỷu,
mới biết tay đua giỏi. “Ví thử đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào
kiệt có hơn ai”. Con người ta lộ diện mình là ai, khi gặp những lúc gian
nan sóng gió. Trước khi đưa một vật tưởng là vàng mà không phải là vàng
thật vào lửa, người ta có thể lầm tưởng nó là vàng thật; nhưng một khi
đưa nó vào lửa, lửa giúp người ta nhận ra sự thật: nếu là vàng thật nó
sẽ không biến đổi, còn nếu là vàng giả thì nó sẽ biến đổi màu.
Thập giá giúp con người biết rõ về mình, biết mình là ai. Thập giá
giúp mình nhận ra mình thật mong manh mỏng dòn, và cần Thiên Chúa giúp
để có thể vượt qua những sóng gió chông gai trên đường đời. Thập giá,
đối với những ai thuộc về Thiên Chúa, có thể giúp con người cậy dựa vào
Thiên Chúa, tùy thuộc Thiên Chúa, gần gũi Thiên Chúa, thuộc trọn về
Thiên Chúa hơn.
Thập giá không phải luôn luôn đến từ sự dữ, nhưng giả sử nếu nó do sự
dữ thì con người vẫn chiến thắng sự dữ nhờ vào Thiên Chúa, như Đức Yêsu
đã chiến thắng sự dữ nhờ Thiên Chúa. “Khi con người bị treo lên, Ta sẽ
kéo mọi người lên với Ta”. Chính khi sự dữ giết được Đức Yêsu, thì lúc
đó nó chiến bại. Thiên Chúa đã phục sinh Đức Yêsu. Thiên Chúa chiến
thắng sự dữ. Những ai kết hiệp với Thiên Chúa, ở trong Thiên Chúa, thì
sẽ chiến thắng sự dữ, vì Thiên Chúa chiến thắng sự dữ qua chính người
đó.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
- Bạn có kinh nghiệm thập giá làm hủy hoại con người không? Xin chia sẻ.
- Thập giá có khi nào làm người ta thăng hoa không? Xin bạn chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét