Thứ Tư, 19 tháng 9, 2012

CHA QUYNH - Con Người - Sự Kiện - Giai Thoại Phần II


52. CHUYỆN TRUNG TÁ LÊ
Sau vài lần gặp trung tá Lê tại Sở Công an Hải Phòng, tôi mới biết ông ta là người cùng phố. Em trai ông lại là bạn học cùng trường cùng lớp với tôi thời trung học.Và biết ông là Trưởng phòng 48, một phòng chuyên giám sát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.
Trung tá Lê vóc người to cao, trán hói, mặt vuông vắn, có cặp mắt sắc lạnh luôn ẩn sau chiếc kính đen mỗi khi ra đường. Mùa hè thu, ông ta thường mặc áo veston-pla ngắn tay mầu trắng hoặc mầu mỡ gà, trông khá phong nhã. Tôi chưa thấy ông ấy mặc đồ công an bao giờ.
Dân Hải Phòng nhiều người biết mặt trung tá Lê. Và qua ông ấy mà người ta biết chân dung cha Quynh do ông vẽ ra. Bởi vì trung tá Lê đã từng cắp cặp đến các cơ quan, xí nghiệp lớn trong tỉnh để giảng chính trị. Ông ta đứng trên bục nói với đám đông cử tọa về “tình hình phức tạp trong tôn giáo nói chung và linh mục Quynh nói riêng”. Có lần ở nhà máy Xi măng, trung tá Lê đã nói về cha Quynh thế này: “Tên Quynh là một tên phản động cực kì nguy hiểm. Hắn đã được đào tạo ở nước ngoài. Hắn là một tên bán nước đội lốt thầy tu…Khi tôi làm việc tiếp xúc với hắn tôi luôn phải xác định quan điểm lập trường rõ ràng: Nó là kẻ thù! Nó là kẻ thù! Vì nếu chỉ nhãng đi nửa phút thôi là lập tức mến hắn, kính phục hắn, coi hắn là bạn ngay…” Trong đám đông người nghe hôm ấy có vài giáo dân đã nghe và đã kể lại như vậy.
Thế rồi cha Quynh quản chế ở Câu Thượng. Trung tá Lê thỉnh thoảng cắp cặp đến làm việc với cha. Đó chỉ là những cuộc thăm dò tư tưởng để nắn gân nhau. Lúc này trung tá Lê lại nói năng rất nhã nhặn lịch sự, khác hẳn giọng nói về cha khi lên lớp trước quần chúng.
Có một lần cao hứng, ông ta còn rút từ trong cặp ra một tờ báo tiếng Pháp, rồi đọc cho cha nghe. Nội dung bài báo viết đại ý: “Cha Quynh, một linh mục Việt Nam sống trên đất Pháp những năm 1952-1953, đã từng nồng nhiệt đấu tranh đòi quân đội Pháp phải rút khỏi Việt Nam. Giờ đây linh mục đó ở đâu, bạn đọc có biết không? Thưa đang bị cầm tù tại Hải Phòng đã lâu năm…” Đọc xong bài báo, trung tá Lê hỏi cha:
- Linh mục có đoán được người viết bài báo đó là ai không?
- Chịu. Ở bên Tây thì nhiều người biết tôi. Làm sao đoán được ai viết.
- Linh mục có thấy họ viết sai không? Ông chỉ bị quản chế mà họ lại rêu rao là bị cầm tù.
- Chẳng có gì sai. Tù có nhiều hình thức: Tù án treo, tù giam, tù quản chế…đều là tù cả. Chỉ khác nhau về mức độ thôi.
Thì ra họ quản chế cha tại Hải Phòng, không đưa đi biệt xứ cũng còn vì lí do như vậy.
Sau này khi cha Quynh đã được giải quản, cha kể lại chuyện trên với chúng tôi. Tôi hỏi cha:
- Cha có đoán được trung tá Lê đọc bài báo đó để làm gì không?
Ngài ngả lưng vào ghế cười, lắc đầu:
- Chịu! …Có thể là ngẫu hứng…Khoe cũng biết tiếng Pháp…Hoặc bị mất lập trường nên coi tôi là bạn, tiết lộ một chút bí mật…Hoặc muốn nói: Chúng tôi cũng biết ông yêu nước chứ không phải bán nước đâu. Cứ yên tâm…
2
Rồi một lần khác, hai cha con tôi lại nói chuyện với nhau về trung tá Lê. Tôi cho cha Quynh biết: Bây giờ ông trung tá về hưu đang ngồi bán nước ngay trước cửa nhà mình.
- Thật thế à! Nhà ở chỗ nào? Ta phải đến thăm mới được!
- Vâng. Thưa cha, ngay trước cổng chợ An Dương.
Tôi tưởng cha nói tếu cho vui, không ngờ cha đến thăm trung tá bán nước thật. Sau này cha đã thuật lại với chúng tôi cuộc viếng thăm lí thú ấy:
- Chào chủ quán! Rót cho xin hai chén nước.
Cha Quynh ngồi xuống chiếc ghế đẩu bằng nhựa. Ngài hỏi tiếp:
- Ông Lê giờ cũng “bán nước” à?
Chủ quán đã trao vào tay cha chén trà thơm bốc khói. Còn chén thứ hai đang nhớn nhác nhìn, chưa biết trao cho ai. Thấy vậy cha Quynh nhẩn nha bảo:
- Tôi có một mình thôi.Chén này là mời chủ quán đấy! Thế ông Lê không nhận ra tôi à?
Chủ quán khẽ đập đập tay lên cái trán hói nhẵn bóng:
- Trông quen lắm. Nhưng chưa nhớ ra.
- Buồn quá! Tôi với ông thân nhau thế mà đã quên được rồi.
Trung tá Lê ngờ ngợ. Ông ta đứng lên, ra nhìn cái xe đạp, quen kiểu nghiệp vụ nhìn vật đoán ngườiCha Quynh cười bảo:
- Đổi xe rồi! Cái xe “đờ-mi-cuốc”ấy mấy chục năm rồi…Làm sao còn dùng được nữa…Quynh đây mà!
Chủ quán vồn vã nắm chặt tay cha. Mời vào trong nhà. Khi chủ - khách đã an tọa, ông Lê mới nói:
- Đã hai chục năm không gặp nhau rồi đấy nhỉ?...Thế nào…cha có oán hận gì tôi không?
Cha Quynh lắc đầu:
- Tôi chẳng oán hận ai cả. Vả lại tôi biết những điều bịa đặt nói hành nói xấu tôi, ông nói nhưng không phải ông nói mà là nghề nghiệp ông buộc ông nói vậy thôi.
- Cám ơn cha. Cha thông cảm cho như thế là tôi yên tâm rồi
Hút xong một hơi thuốc lá 555 chủ nhà vừa ưu ái mời, cha Quynh hỏi thăm:
- Về hưu rồi, cuộc sống thoải mái hơn chứ?
Trung tá Lê nhìn cái mặt bàn gỗ lát bị nứt nẻ ra làm đôi, lắc đầu:
- Nó cũng như cái mặt bàn này, thời gian để lại vết rạn nứt cong vênh. Giờ không sao hàn gắn được.
- Về tâm hồn hay về cuộc đời?
- Cả tâm hồn, cả cuộc đời.
3
Câu chuyện về trung tá Lê đã định chấm hết tại đây. Không ngờ còn được chép tiếp thêm hồi thứ ba nữa.
Đầu năm 2006. Một bà già ăn mặc sang trọng dẫn hai người trẻ đến nhờ tôi dạy giáo lý Dự tòng và Hôn nhân. Một trò là cháu trai của bà. Trò kia là cháu dâu tương lai. Việc tôi dạy giáo lý các lớp ở nhà thờ hay tại nhà riêng thế này là chuyện bình thường đã từ lâu rồi. Có điều tôi không thể ngờ bà già đó chính là vợ trung tá Lê và chàng trai kia lại là cháu ông ta.
Tôi còn nhớ 45 năm trước, khi gặp tôi trong trại tạm giam Trần Phú, trung tá Lê đã nói với tôi: “Em còn trẻ, lại là bạn thân với thằng Thịnh nhà anh. Anh muốn cứu em. Ông Quynh đã bị chính quyền bắt đưa đi rồi. Bọn em như rắn mất đầu còn làm được cái trò gì nữa. Chỉ cần em viết giấy hứa từ nay không tụ tập ở nhà thờ An Tân, không giáo lý giáo liếc gì cả, được về sẽ hòa nhập vào xã hội, tham gia đoàn thể, hợp tác với chính quyền thì đời em sẽ có tương lai, tiền đồ sáng sủa…Phải biết nhìn xa trông rộng, đừng dại dột…Chỉ hai chục năm nữa thôi, mấy ông bà già đi Đạo chết cả. Lớp người trẻ lớn lên được giác ngộ cách mạng. Ai còn thèm học Thánh ca với Giáo lý làm gì (!)”
Hồi ấy trung tá Lê đã không thuyết phục được tôi. Tôi phải đi tập trung cải tạo 17 năm. Bây giờ ông trung tá chết rồi. Vợ ông lại dẫn cháu ông đến cho tôi xin học giáo lý. Ôi Thiên Chúa đã vẽ nên đường thẳng bằng những nét cong đẹp hơn trí tưởng tượng của con người.
Nhân dịp này, tôi muốn biết thêm chút lý lịch về trung tá Lê, nhưng xem ý bà vợ không muốn nhắc đến chuyện chồng mình. Có vẻ như bà mặc cảm đó là một điều đáng hổ thẹn. Tuy vậy, nể tôi đã hỏi, bà cũng nói sơ sơ đôi điều: Quê vợ chồng bà đều ở xứ Đạo Áng Sơn, Hoa Lư, Ninh Bình. Khi hai người cưới nhau, ông ấy đã Rửa tội. Đã làm lễ cưới tại nhà thờ. Rồi ông ấy thoát ly đi làm cách mạng. Năm 1955, Hải Phòng tiếp quản. Ông ấy về quê đón vợ ra sống ở phố An Dương cho đến hôm nay. Vợ chồng bà đã có 6 mặt con, nhưng ông ấy đã cấm bà đi nhà thờ và không cho bà mang đứa nào đến nhà thờ Rửa tội. Ông ấy bảo: Thời buổi này chỉ được theo Đạo ngầm thôi.
Kể đến đây bà chép miệng giọng ai oán: “Ông ấy ác lắm! Cứng lòng lắm! Lúc hấp hối rồi, tôi khuyên để tôi đi đón cha cụ xức dầu, cho chịu các phép nhưng ông ấy vẫn lắc đầu. Lại còn thều thào nói: Tôi không mất đức Tin đâu…đã theo ngầm thì theo ngầm cho chót…Bà làm công khai ra thì cả hai bên đều cười cho là đồ phản bội đấy… Từ nay, tôi không cấm bà đi nhà thờ nữa đâu… Bà hãy siêng năng đi để bù lại những năm tháng qua và nhớ cầu nguyện, xin lễ cho tôi nữa.”
Tôi an ủi bà Lê:
- Như thế là tốt rồi! Ông nhà, khi còn sống, bề ngoài ra vẻ chống lại Giáo Hội, nhưng trong lòng vẫn không chối từ ơn Chúa, vẫn thầm kín sống đức Tin. Bà chẳng nên buồn oán ông Lê nữa. Hãy làm theo lời trối lại đó!
- Tôi đã làm tất cả và còn làm nhiều hơn nữa. Không phải chỉ vì lời trối của ông ấy mà còn vì ước muốn của lòng tôi nữa.
Hiện nay bà Lê là một giáo dân có uy tín ở xứ An Tân. Bà được cộng đồng Dân Chúa vị nể vì lòng đạo đức sốt sáng và vì bà đã đóng góp nhiều công của xây dựng Nhà Chúa.
Tôi hỏi vui bà:
- Có lẽ bao nhiêu tiền lương hưu của ông trung tá, bà công đức hết?
- Ăn thua gì, còn cộng thêm cả tiền của hai con ông ấy là kiều ở Canađa. Mỗi năm cũng được ngàn đô nữa.
- Ô, thế các anh chị này cũng theo Đạo cả rồi sao?
- Chúng được Rửa tội từ khi còn ở trại tị nạn Hồng Kông.
Như vậy xem ra thế gian cũng khó lấy cắp được của Thiên Chúa sự gì. Vì “của Xêda trả về cho Xêda, của Thiên Chúa lại trả về cho Thiên Chúa”.
(Viết ngày 10/8/2006)
53. NHỮNG NĂM QUẢN CHẾ Ở XUÂN HÒA
Sau 12 năm quản chế ở Đồng Giới, Tràng Duệ, Câu Thượng, địa điểm thứ tư mà người ta chuyển cha Quynh đến là xứ Xuân Hòa thuộc huyện Tiên Lãng.
Xuân Hòa cách trung tâm thành phố Hải Phòng chừng 28 km. Đi bộ thì khá xa, lại còn cách sông cách phà. Sông Khuể rộng mênh mông. Đứng bên này bờ không nhìn thấy người bên kia bờ. Đi phà phải chờ đợi, bị chen chúc, xô đẩy trong một luồng đường hẹp chừng 3 mét ngang. Nếu không cẩn thận còn bị móc túi, lấy cắp đồ.
Năm 1978, tôi vừa về sau 17 năm đi tập trung cải cải tạo. Lần đầu tiên đến Xuân Hòa thăm cha, tay dắt xe đạp luồn lách trong luồng đường chờ đợi ở bến phà Khuể. Tôi chợt nghe một câu nói bâng quơ: “Qua bến Khổ, vào đất Tiên”. Câu nói gì vậy? Một châm ngôn sống hay một tư tưởng tôn giáo?
Không. Đấy chỉ là một câu ca cẩm của dân địa phương khi phải qua phà Khuể. Họ đã đồng nghĩa bến Khuể là bến Khổ. Đất Tiên là huyện Tiên Lãng. Thế thôi!
Tôi tìm đến nhà thờ xứ Xuân Hòa. Ngay cổng vào sân nhà thờ có một trạm gác. Người gác đó tên là Hỏa, có lẽ là công an thôn. Sau khi xem xong thẻ chứng minh của tôi, ông ấy hỏi:
- Ông đến gặp linh mục Quynh có việc gì?
- Chỉ là lâu ngày không gặp cha. Tôi muốn vào thăm sức khỏe cha.
Ông Hỏa khuyên tôi:
- Nếu chỉ là chuyện thăm hỏi thường tình. Tôi khuyên ông không nên vào. Còn nếu ông quyết chí vào. Tôi cũng cho ông vào. Nhưng tôi phải ghi vào sổ và báo cáo về Sở Công an Hải Phòng. Có thể họ sẽ làm việc với ông lôi thôi đấy.
Tôi lưỡng lự suy nghĩ: “Mình vừa mới đi tù về. Nếu vào, liệu có gì lôi thôi rắc rối không?” Tính tôi xưa nay quen: đã làm gì, sớm muộn cũng phải làm cho xong. Đã đi, không bỏ dở lưng chừng được. Tôi tặc lưỡi: “Ông cứ cho tôi vào thăm cha.”
Xuân Hòa là một xứ đông giáo dân. Cha sống với giáo dân có phần chan hòa hơn 12 năm trước. Giáo dân bản địa ra vào nhà xứ không bị gây khó dễ như tôi. Sáng sáng cha dâng Thánh lễ đã có nhiều giáo dân tham dự.
Cha Quynh kể với tôi: Trong suốt 12 năm qua, cái khổ nhất của đời linh mục là bị sống cô lập. Linh mục tách khỏi giáo dân thì có khác gì cá tách khỏi nước!
Tôi hỏi cha:
- Cha về xứ Xuân Hòa, được sống với nhiều giáo dân. Có phải là dấu hiệu cha được nới lỏng hơn không?
- Bề ngoài là như thế, nhưng chưa chắc. Họ đưa tôi về đây là một cách tính toán rất tinh vi. Phải gọi là giỏi nữa.
- Là thế nào ạ?
- Có thể là một cách “lấy độc trị độc” hoặc “gậy ông đập lưng ông”. Nói về lịch sử Xuân Hòa thì dài lắm. Tôi chỉ có thể tóm tắt với ông đôi nét thôi.
Đôi nét lịch sử xứ Xuân Hòa
Xuân Hòa xưa nay vốn có tên là Xuân Lai. Ngay bây giờ tên địa dư ngoài đời vẫn gọi là Xuân Lai. Chỉ có người Công giáo gọi là Xuân Hòa. Do một hoàn cảnh lịch sử mà xóm giáo Xuân Lai đã thay tên thành Xuân Hòa.
Từ hàng trăm năm nay, trong Địa phận Hải Phòng đã lưu truyền câu: “Thứ nhất Xuân Lai. Thứ hai Yên Trì”. Xuân Lai được xếp đứng đầu bảng trong số hàng trăm giáo xứ, giáo họ của Địa phận.
- Ồ! Xuân Lai danh tiếng quá!
Cha Quynh bảo:
- Không phải danh tiếng mà là tai tiếng.
Người Xuân Lai nổi tiếng về tính tình ương bướng, dữ dằn. Sự Đạo thì nhếch nhác, hay châm chọc, báng bổ các cha, các cụ. Linh mục nào được sai về làm cha xứ Xuân Lai cũng sợ hãi, khiếu từ. Vậy nên mới có câu ca dao trên.
Xứ Xuân Lai có hai cộng đồng người lương và giáo sống xen kẽ nhau. Từ 70 năm nay, hai cộng đồng này có một mối hiềm khích chia rẽ ghê gớm và đã từng xung đột, chém giết nhau nhiều lần, đến nỗi hồi ấy phải có một “hội nghị” để ký kết “đình chiến”. Xuân Lai có một con mương chạy dọc làng. Hội nghị đã lấy con mương đó làm giới tuyến chia đôi. Bên này mương có nhà thờ, cộng đồng người Công giáo ở, còn cộng đồng lương dân sẽ di cư sang bên kia mương. Chính từ sự kiện này, phía Công giáo sau khi tách ra, không muốn chung tên gọi Xuân Lai nữa mà đổi sang tên Xuân Hòa.
Để hiểu hơn về “danh tiếng” Xuân Lai, tôi xin kể hai câu chuyện xảy ra thời Đức cha Gomez Lễ (người Tây Ban Nha) như sau:
1. Chuyện ông Nâu ở Tỉnh Lạc
Ông Nâu ở giáo họ Tỉnh Lạc, thuộc xứ Xuân Lai, có tính hay nói lỡm lờ, giỡn cợt người khác nên nhiều người không ưa.
Dịp Đức cha Lễ về Xuân Lai ban Bí tích Thêm sức, ông Nâu cũng có một người cháu trong danh sách được chịu phép Thêm sức ngày hôm đó. Nhưng do mải chơi nên cháu ông bị muộn lễ.
Lễ xong, Đức cha đang đứng nói chuyện vui vẻ ở sân nhà thờ, ông Nâu từ đâu dắt cháu xồng xộc chạy đến: “Đức cha ơi! Tìm thấy nó đây rồi. Xin Đức cha cho cháu chịu phép Thêm sức đi!”
Đức cha Lễ tròn mắt ngạc nhiên, tức giận, giọng lơ lớ:
- Bây giờ chỉ có thêm đòn, còn Thêm sức gì nữa.
Ông Nâu vẫn giọng nhăn nhở:
- Xin Đức cha bớt giận...chỉ giơ tay, bôi bôi một tí dầu là xong ngay mà.
Đến nước này thì Đức cha không thể chịu được nữa. Ngài nghĩ tên này hỗn láo, trắng trợn báng bổ Đạo. Truyền lệnh cho Ban hành giáo phải trừng trị ngay hắn một cách thật nghiêm khắc.
Vốn không ưa ông Nâu. Mấy ông Trùm, Trưởng được lệnh liền đè ngửa ông Nâu ra sân nhà thờ, cởi hết quần áo. Rồi lấy sợi dây buộc vào viên gạch. Đầu dây kia buộc vào dái ông Nâu. Rồi dong ông ấy đi vòng quanh nhà thờ. Thật là một trò hành hình quái gở chỉ Xuân Lai mới có!
Ông Nâu uất ức, nhục nhã quá, liền bỏ Đạo, bỏ gia đình, quê hương đi biệt xứ lên Lao Cai. Ba mươi năm sau, khi già nua ốm yếu ông mới trở về. Khi về đến cổng nhà, gặp bụi sắn trồng trong cổng, ông Nâu quỳ xuống chắp tay lạy: “Con lạy ông rồi! Con sợ lắm rồi! Bao lâu nay con toàn ăn sắn. Con khổ quá! Từ nay xin ông tha cho con…”
Khi tôi nghe kể chuyện này thì ông Nâu vẫn còn sống. Cha Quynh đã đến nhà an ủi ông. Cha xin lỗi ông. Cha nhận hết lỗi về mình và mong ông khép lại quá khứ, trở về cùng Chúa, hòa nhập cùng làng xóm quê hương.
2. Chuyện người ném đá Đức cha
Vẫn trong ngày Đức cha Lễ về Xuân Lai, còn một chuyện thứ hai cũng khá đau lòng. Ấy là chuyện có người ném đá Đức cha. Cũng may hòn đá chỉ sướt qua áo chùng thâm. Người ném đá lập tức bị ban bảo vệ đuổi theo bắt được. Đó là một phụ nữ lương dân bên Xuân Lai.
Đức cha rất tức giận truyền lệnh nọc người phụ nữ to gan ra sân nhà thờ đánh đòn 40 roi. Sẵn mối thù lưu niên, người Xuân Hòa liền lột quần áo người phụ nữ Xuân Lai đánh đòn không thương tiếc. Máu me rướm đỏ cả khoảng sân cỏ chỗ chị bị đánh đòn đến nỗi người Xuân Lai phải mang võng sang khiêng về.
Ngay tối hôm ấy, để trả thù, bên Xuân Lai bắt cóc một người bên Xuân Hòa, đào hố chôn sống, chỉ để hở mỗi cái đầu lên trên mặt đất, khiến anh phải chết tất tưởi ngay trong đêm!
Từ đấy mối thù giữa hai bên lại càng bị khoét sâu thêm hầu như không có cách gì hóa giải được.
Cha Quynh hôm đó sau khi kể tóm tắt cho tôi nghe đôi nét về lịch sử Xuân Lai – Xuân Hòa, cha bảo:
- Tôi về đây cũng không ngon lành gì đâu.
- Vâng, quả đúng vậy. Con nghĩ: Nếu cha sống không khéo cũng có thể bị ném đá, thậm chí bị ám sát dễ như chơi.
Ngừng một lát, cha gật gù trầm ngâm:
- Ừ khó đấy! Nhưng tôi sẽ cố gắng xây dựng nơi đây thành một cộng đồng hòa bình.
Trong đầu óc cha chắc hẳn đã có một kế hoạch, một chương trình thực hiện. Chương trình đó đòi hỏi phải có thời gian lâu dài và kiên trì để cha sống hòa nhập với cộng đồng giáo cũng như lương ở đây.
Nhưng trước mắt, cha còn đang phải sống trong tình trạng quản chế gò bó, chưa tiếp xúc được thoải mái với dân. Vì thế cha bắt đầu viết sách để hy vọng tái thiết tâm hồn Kitô giáo nơi giáo dân trước đã.
Cha viết sách về Đạo
Trong những ngày tháng quản chế ở Xuân Hòa, cha bắt đầu viết một loạt sách về Đạo. Ngài viết rất nhanh, tựa như người đã thuộc lòng rồi chỉ việc ngồi chép lại. Vì đó là những bài cha đã giảng, những suy nghĩ cha đã trải nghiệm từ nhiều năm nay. Nội dung sách hướng dẫn giáo dân làm quen với Kinh Thánh. Cách đọc Cựu Ước, và Tân Ước. Sách giáo lý từ thấp đến cao: KINH BẢN HỎI, BƯỚC ĐẦU TÌM HIỂU GIÁO LÝ CÔNG GIÁO, GIÁO LÝ SƠ LƯỢC…Các sách tháng như: THÁNG ĐỨC BÀ, THÁNG THÁNH TÂM, THÁNG LINH HỒN…Sách huấn luyện về Tu Đức, về đời sống nội tâm như: THEO GƯƠNG CHÚA GIÊSU (SÁCH GƯƠNG PHÚC).
Ai cũng biết viết được một quyển sách có giá trị là khó, nhưng viết rồi làm sao để người ta chịu đọc mới là điều thiết thực, có hiệu quả. Sách giá trị nhất của loài người là quyển Kinh Thánh. Song có người Công giáo mua về cũng chỉ để bày trong tủ cả đời chưa một lần đọc hết quyển Lời Chúa này.
Cha Quynh đã rất khôn ngoan: Mượn hình thức cũ để chuyển tải nội dung thần học mới. KINH BẢN HỎI là loại kinh Giáo lý vắn gọn. Xưa nay tại các nhà thờ vẫn quen đọc mỗi tuần một lần vào ngày Chúa nhật. KINH BẢN HỎI mới của cha Quynh vẫn sử dụng theo hình thức đọc ấy, nên cả nhà thờ, già trẻ gái trai, dần dà ai cũng thuộc. Lại được chính soạn giả giảng giải cắt nghĩa thêm nên mọi người không những thuộc mà còn hiểu rõ nữa.
Những SÁCH THÁNG KÍNH của cha viết cũng có hiệu quả khôn ngoan như vậy. Thực chất mỗi quyển Sách Tháng là 30 bài suy niệm về Lời Chúa, về Giáo lý mới của cha theo chủ đề tháng đó. Được đọc trong 30 ngày tại nhà thờ. Nhờ đó, giáo dân ai nấy đều thấm dần Lời Chúa.
So với SÁCH THÁNG KÍNH cũ, sách của cha Quynh viết đã đổi mới rất nhiều. Như SÁCH THÁNG CẦU HỒN, hầu như cha viết mới hoàn toàn. Các “Thánh Tích” kể chuyện linh hồn hiện về, cha đã loại bỏ hết. Tại sao cha loại bỏ? Ta chỉ cần đọc một đoạn sau đây cha viết thì rõ: NGÀY HAI MƯƠI về các linh hồn hiện về.
“…Nhiều người Công giáo vẫn còn tin rằng kẻ chết về được. Thí dụ: Về để báo con cái phải đền bù tội lỗi cho mình thế nọ thế kia. Người ta nói là Đức Chúa Trời cho về. Có phép Đức Chúa Trời thì về được. Nghe cũng có lý. Tuy nhiên, ta nên lấy Thánh Kinh mà soi xét. Phúc âm chẳng có lời nào nói như vậy cả. Trái lại, chuyện dụ ngôn ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó (Lc 16,19-31). Ông Abraham nói: Không về được đâu. Họ đã có lề luật, cứ lề luật mà giữ, không cần phải có linh hồn hiện về. Như vậy là Phúc âm nói không về được, không cho về. Chúng ta nên thận trọng kẻo lại rơi vào cảnh mê tín dị đoan.”
Giới thiệu những đầu sách cha viết, và ý nghĩa công dụng của những sách đó thì sợ quá dài. Mà người chép chuyện này cũng không làm nổi.
Mục đích sách cha viết chỉ khiêm tốn để giáo dân vùng Tiên Lãng này học hỏi và có thể cả Giáo phận Hải Phòng nữa. Loại sách viết tay lưu hành nội bộ thôi. Cha hy vọng dần dần bổn đạo của cha sẽ bớt kém cỏi lạc hậu.
Mười sáu năm cha Quynh bị quản chế ở Xuân Hòa. Cũng như mười hai năm trước, thỉnh thoảng lại có một hai cán bộ về làm việc với cha, khi thì cấp huyện, khi thì cấp thành phố, khi thì cấp trung ương. Họ thấy cha có mấy quyển sách viết tay để trên mặt bàn. Họ cầm lên ngắm nghía, rồi nói là mượn mang về đọc. Cha Quynh bảo: “Được. Các ông cứ xem đi! Khi nào mang trả, tôi muốn được biết ý kiến nhận xét của các ông.”
Thế nhưng họ chẳng bao giờ mang trả sách. Và cũng chẳng có ý kiến phản hồi gì.
Tuy nhiên, từ đấy ngoài sách cha viết cho nội bộ đọc, còn có loại sách viết với chức năng “ngôn sứ” nữa.
Cháu ông Trường Chinh
Vào khoảng năm 1982, có một phụ nữ chạc 35 tuổi đến Xuân Hòa gặp cha Quynh. Trông dáng vẻ chị ta có chút kiêu kì. Chị ta cứ trừng trừng nhìn cha từ đầu đến chân rồi tự kéo ghế ngồi.
Thấy chị ta chưa chào hỏi, cha Quynh vẫn thản nhiên im lặng. Cuối cùng chị ta cũng phải lên tiếng:
- Chào linh mục. Tôi xin tự giới thiệu: Tôi là cháu gái Chủ tịch Trường Chinh. Tôi muốn biết có phải ngài khi trở thành linh mục mới đổi tên là Quynh không?
- Tại sao chị lại hỏi tôi như thế? Tôi là Quynh từ khi cha mẹ mới sinh ra.
Người phụ nữ mới tường thuật: “Tôi hiện đang công tác bên huyện Vĩnh Bảo. Bố mẹ tôi ra sinh sống ở Hải Phòng từ hồi Pháp thuộc. Tôi có một người anh trai. Từ khi còn nhỏ, vì gia đình quá nghèo, bố mẹ tôi đã phải cho anh tôi vào Nhà sơ Nam Pháp. Sau này gia đình chúng tôi đến tìm, nhà dòng bảo đã cho anh tôi đi du học bên Pháp rồi. Anh tôi học hành rất thông minh và đã đỗ linh mục, lấy tên là Quynh.
Vừa qua, tôi tình cờ thấy trong hiệu ảnh Hải Phòng một tấm ảnh nom giống anh tôi. Tôi vào hỏi. Người ta bảo: Đó là ảnh linh mục Quynh. Tôi đã mua lại tấm ảnh đó. Người ta không lấy tiền. Tôi mang tấm ảnh ấy lên Hà Nội cho chú tôi xem. Chú cháu tôi mang ba tấm ảnh ra đọ với nhau: Một ảnh Chủ tịch Trường Chinh, một ảnh anh trai tôi hồi nhỏ, và một ảnh của linh mục. Ba tấm ảnh đều có khuôn mặt hao hao giống nhau. Mặt đầy đặn, có vầng trán rộng và có đôi mắt sáng. Chú tôi bảo: Linh mục Quynh thì chú tôi biết giờ đang bị quản chế ở Tiên Lãng. Cháu thử xuống trực tiếp xem sao. Nếu có hai linh mục Quynh thì có lẽ một người đã chết rồi…”
Nghe người phụ nữ tường thuật xong, cha Quynh gật gù nói:
- Một chuyện trùng danh cũng hơi li kì…Tôi thì mẹ còn sống, hiện ở trong Sàigòn.
- Thế ông hồi còn học ở Pháp, ông có thấy một linh mục nào cũng tên là Quynh không?
- Nếu có, tôi đã cho chị biết rồi.
Người phụ nữ dáng vẻ đăm chiêu, thất vọng, cáo biệt cha Quynh ra về.
54. CHA QUYNH ĐI SÀI GÒN THĂM MẸ
Chuyện cán bộ an ninh thỉnh thoảng đến “thăm” cha thì đã quá bình thường. Lần này có một sự hơi lạ là họ lại đề cập đến chuyện tình cảm riêng tư của cha. Họ nói cha đã xa thân mẫu có lẽ đến 30 năm rồi. Giờ nếu cha có nguyện vọng muốn vào thăm mẹ, họ sẽ giúp đỡ, tạo điều kiện cho đi. Cha nói cám ơn, để còn suy nghĩ đã.
Nghe cha nói thế họ hơi ngạc nhiên. Bởi lẽ sống trong cảnh cá chậu chim lồng đã hơn hai mươi năm. Có cơ hội được sổ lồng, ai mà chả thích. Thế mà cha Quynh xem ra lại dửng dưng. Điều này thật khó hiểu.
Còn cha, cha nghĩ làm gì có sự ban ơn hào phóng vậy. Chắc phải có mục đích gì đây. Song suy đi tính lại, cuối cùng cha nhận lời đi. Như thế chuyến đi này hai bên đều có mục đích.
Ngày cha Quynh lên đường vào Nam, có hai công an được cử đi “săn sóc” cha. Khi đến Sài Gòn, có thêm lực lượng an ninh sở tại phối hợp.
Việc đầu tiên mà hai bên đều nhất trí là đến ngay gặp thân mẫu cha Quynh. Bà Cố sống với con gái trong một căn hộ tại khu chung cư dành cho gia đình quân nhân.
Giây phút mẹ con gặp nhau sau mấy chục năm chia ly thật cảm động. Cha Quynh ôm lấy mẹ. Nước mắt mẹ rỏ xuống vai con. Viên công an đi cùng cha nói:
- Cụ nhìn kĩ mặt xem có phải thật là con mình không. Hay là Quynh giả?
Cụ Cố sao hiểu nổi câu hỏi ấy là mục đích cốt lõi của chuyến đi. Cụ lại tưởng đó là một câu pha trò cho vui.
Tuy nhiên cụ vẫn lùi lại một chút để ngắm mặt con cho rõ. Rồi nói với viên công an:
- Đúng là con tôi thật rồi. Không thể nhầm lẫn được.
Cụ tủi thân, sụt sịt khóc:
- Con ơi! Mấy tháng nay toàn ăn mì mạch, bo bo thôi. Chưa bao giờ mẹ khổ như ngày nay.
Có hai camêra quay ở hai bên. Vài ba người hàng xóm hiếu kì chạy sang xem. Họ trầm trồ khen ngợi: “Long trọng quá! Có lẽ có cả nhà báo.”
Khu chung cư có một Thánh đường. Cha Quynh sang thăm cha quản nhiệm, xin được dâng Lễ ban chiều tại đây. Cha quản nhiệm vui vẻ nhận lời và còn mời cha Quynh lễ xong ở lại dùng cơm tối cùng nghỉ đêm luôn để sáng mai dâng Lễ nữa.
Cha Quynh đã dâng lễ, đã dùng cơm tối với cha quản nhiệm. Nhưng cha không nghỉ đêm ở đây mà về với mẹ, theo đúng như cha đã thỏa thuận với công an khi đi.
Sáng hôm sau, cha Quynh đưa chút tiền bảo cô Quyên là em gái đi mua chút quà sáng cho mẹ và hai anh em cùng ăn. Rồi cha xin phép cụ Cố đi thăm đây đó.
Ra khỏi cổng khu chung cư, cha bắt xe ôm đi chơi.
Người chở xe ôm có vẻ lanh lợi hoạt bát. Hỏi cha:
- Ngài định đi đâu ạ!
- Đi uống cà phê.
Anh ta nổ máy cho xe chạy. Nhìn vào gương xe, phát hiện có hai xe ôtô con đang bám đuôi xe mình. Anh ta rẽ đường nào, hai xe ôtô kia cũng rẽ theo đường ấy. Anh ta giọng lo lắng nói với cha:
- Nguy quá! Ngài bị hai xe con đang bám riết đó.
Cha cười bảo:
- Không sao đâu. Họ đi bảo vệ tôi đấy mà.
Anh ta càng kinh ngạc:
- Vậy giờ phải làm sao?
- Anh hãy cho xe ngoẹo vào một con hẻm nhỏ. Rồi thông ra đường khác. Chúng ta cùng uống cà phê.
Người lái xe làm như thế và đã cắt đuôi được hai xe đang bám theo. Thế là cả chủ khách được một buổi ung dung cùng uống cà phê, hút thuốc lá. Đang khi uống cà phê, anh xe ôm tò mò hỏi:
- Ngài là ai mà phải có hai xe con bảo vệ?
Cha Quynh giọng tỉnh bơ:
- Là cháu ông Trường Chinh.
Uống cà phê xong, cha Quynh bảo anh lái xe chở cha đến Tòa Tổng Giám mục.
***
Ở ngoài Bắc, UBLLCG coi như đã dẹp xong vì nó quá dở. Cuối năm 1983, một Ủy Ban khác lại được dựng lên thay, lấy tên là: ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO YÊU NƯỚC. Gọi tắt là Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo (UBĐKCG)
Trong Nam chưa rõ được lai lịch loại Ủy Ban này nên Đức Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình có vẻ thân thiện. Từ nơi quản chế Xuân Hòa, cha Quynh đã gửi một thư cho Đức Tổng Bình rõ. Nếu ngài muốn thân thiện với họ, ngài phải làm cho họ hợp thức luật Giáo hội. Cụ thể là phải thực hiện ba điểm sau đây:
1/ Buộc những linh mục nào tham gia vào UBĐKCG phải được phép của Giám mục Giáo phận.
2/ Ủy Ban Trung ương phải được sự chấp thuận của Hội Đồng Giám Mục.
3/ Các vị Giám mục được quyền uốn nắn những hành động sai trái của UBĐKCG.
Cũng như UBLLCG trước kia, giờ UBĐKCG cũng chỉ là một tổ chức mang danh Công giáo, nhưng không phải là của Giáo hội Công Giáo. Họ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc và chỉ chịu sự lãnh đạo uốn nắn của Đảng thôi.
Vì thế những ý kiến trong thư của cha Quynh, đã không thể thực hiện được. Giờ cha phải vào trực tiếp trao đổi thêm với Đức Tổng Bình để ngài có những động thái phù hợp với hoàn cảnh mới.
Chuyến đi của cha coi như đã thành công tốt đẹp. Cả hai bên đều đạt được mục đích. Cha đã gặp được thân mẫu, và Đức Tổng Giám mục Bình. Còn công an đã xác minh được cha Quynh thật hay Quynh giả.
Có điều đời cha lại có chuyện trùng danh lắt léo li kì vậy sao? Liệu có tin được không, hay đó chỉ là một kịch bản được dàn dựng công phu nhằm mục đích hiểm độc.
Cái này tùy bạn đọc suy luận.

CHƯƠNG TÁM
CHA QUYNH
ĐƯỢC GIẢI QUẢN
55. TẠI SAO CHA ĐƯỢC GIẢI QUẢN
MÀ VẪN Ở XỨ XUÂN HÒA?
Chúng ta đều biết cha Quynh bị bắt đưa đi quản chế từ Nhà Thờ Lớn Hải Phòng. Qua 28 năm quản chế, cha đã bị đưa đi giam lỏng tại 4 địa điểm: Đồng Giới, Tràng Duệ, Câu Thượng và cuối cùng là Xuân Hòa 16 năm.
Bây giờ được giải quản, được trả lại tự do, lẽ thường cha phải được trở về nơi trước khi bị bắt mới đúng. Tại sao cha được giải quản mà vẫn ở lại xứ Xuân Hòa?
Đó là vì Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tùng Cương có bài sai cha Quynh làm cha xứ Xuân Hòa và Đông Xuyên, thuộc huyện Tiên Lãng. Và cha đã vâng lời.
Khi ấy, tôi có hỏi cha Quynh: “Sao Đức cha Cương lại tiếp tục đày cha như thế? Đây là một thỏa thuận ngầm hay vì không ưa cha?”
Cha Quynh bảo tôi: Chính tôi muốn ở lại Xuân Hòa.
Năm 1977, Đức cha Tạo qua đời. Giáo phận Hải Phòng trống tòa và người ta có ý định đưa Đức Giám mục B.T từ miền Nam ra làm Giám mục Hải Phòng. Khi ấy cha Quynh đã nói với Giám mục B.T: “Giám mục Hải Phòng tiêu chuẩn hàng đầu phải có là nhân đức trung thành. Thiếu nhân đức ấy thì không thể làm Giám mục Hải Phòng được.”
Sau đấy cha Quynh đề nghị với chính quyền Hải Phòng: “Tôi thì không thể làm Giám mục Hải Phòng được. Đến làm linh mục còn phải đưa đi cách li. Nhưng chúng tôi xin đề nghị chọn linh mục Nguyễn Tùng Cương, Hà Nội làm Giám mục Hải Phòng.”
Chính quyền Hải Phòng thấy đề nghị này là quá biết điều. Linh mục Cương ở Hà Nội chẳng có vấn đề gì phải e ngại. Do đó họ đã dễ dàng chấp thuận.
Phải nói thêm: Giáo hội Việt Nam thời Xã hội Chủ nghĩa vẫn còn tồn tại một điều hết sức vô lí. Đáng lẽ chỉ cần Giáo Hội địa phương và Tòa Thánh nhất trí là có một tân chức Giám mục, nhưng ở Việt Nam phải có sự chấp thuận của chính quyền.
Thế là Đức cha Cương đã về Hải Phòng từ năm 1979.
Còn cha Quynh đến hôm nay đã trải qua 4 triều đại Giám mục: Đức cha Trịnh Như Khuê, Đức cha Khuất Văn Tạo, Đức cha Nguyễn Tùng Cương và nay là Đức cha Vũ Văn Thiên.
Năm 1988, cha Quynh được giải quản. Năm 1989, cha đi thăm Pháp và Rôma. Một bài báo trên mạng có tựa đề: Linh mục Phạm Hân Quynh 55 năm “ngược dòng” của Nguyễn Ngọc Giao. Trong đó có câu: “Tôi hỏi linh mục: Ai quyết định cho cha đi đày như vậy. Chính quyền hay giáo quyền? Ông cười hóm hỉnh: ‘Cả hai’ ”
Nghe cha Quynh trả lời vậy, Nguyễn Ngọc Giao liền viết: Hàng giáo phẩm miền Bắc thời ấy cực kì phản động phong kiến.
Năm 2009, một bài báo khác trên mạng: Lên tiếng thay cho những kẻ phải làm thinh của tác giả Nguyễn Văn Lục cũng nhắc lại câu phỏng vấn trên của Nguyễn Ngọc Giao. Và hiểu cha Quynh nói “cả hai” là ý nói về Đức cha Trịnh Như Khuê.
Đúng là ông nói gà, bà hiểu vịt. Cha Quynh trả lời phỏng vấn thường quá ngắn gọn nên anh em ở xa suy đoán thiếu chính xác cũng là điều dễ hiểu.
Còn cha Quynh ở lại Xuân Hòa – Đông Xuyên là đã toại nguyện. Cha đã biến nơi “Thứ nhất Xuân Lai” tai tiếng trong lịch sử thành vùng “Căn cứ cách mạng” của Giáo phận. Không những cha đã tái thiết được tâm hồn Kitô giáo mà còn đào tạo được đội ngũ giáo lý viên đông đảo thuần thục. Hàng tuần những tín hữu này đã ra đi rao giảng Tin Mừng đến các làng xóm xung quanh.
Con mương giới tuyến ngăn cách Xuân Lai – Xuân Hòa bao đời nay đã được san lấp, nay đang đổ bêtông nhựa thành con đường Hòa Bình. Mối thù truyền kiếp đã được hóa giải.
Phải nói Xuân Hòa – Đông Xuyên thật may mắn, hạnh phúc, vì có một cha xứ tuyệt vời là cha Phạm Hân Quynh!
56. CHUYỆN TÔI THĂM THÂN MẪU CHA
Đầu năm 1985. Tôi muốn vào miền Nam một chuyến. Để biết miền đất mình chưa có dịp đặt chân đến bao giờ; để thăm thân mẫu cha Quynh; và để thăm vài người anh em họ hàng.
Hiềm nỗi tôi quá nghèo. Đạp xích lô kiếm ăn từng bữa. Kiếm đâu ra suất vé tàu Bắc Nam. Vợ tôi bảo: “Anh muốn đi thì em vay tiền cho anh đi. Người ta bảo có một số thứ mang vào Nam bán có thể kiếm lời. Em mua cho anh mang vào đó bán để kiếm suất tàu xe.” Tôi bảo: “Anh đã đi buôn bao giờ đâu. Biết bán ở chỗ nào?”
Thế rồi tôi vẫn quyết chí đi. Mang theo chục kí tỏi khô với một ít thuốc kháng sinh ngoại. Vợ tôi đã cẩn thận ghi vào mảnh giấy giá tiền mua vào của từng loại hàng.
Hành lí tôi mang, cả hàng nữa vẫn rất gọn nhẹ. Tôi đã đáp xe lửa dọc theo chiều dài đất nước vào tới Sài Gòn một cách đầy hứng khởi.
Theo địa chỉ cha Quynh cho, tôi tìm đến nhà thân mẫu cha một cách dễ dàng. Bà cố đã già yếu, nằm trên chiếc võng vải dù. Cô Quyên, em gái cha là vợ liệt sĩ quân đội Cộng hòa. Cô rất nhanh nhẹn tháo vát, rót nước mời tôi, rồi bảo tôi ở nhà nói chuyện với bà. Cô chạy ra chợ mua chút thức ăn về làm cơm.
Tôi hạ ba lô trên vai xuống. Ngượng ngùng nhờ cô giải quyết hộ số hàng mang vào. Cô Quyên thông minh hiểu ý, vui vẻ nhận lời ngay.
Ngồi hầu chuyện bà cố. Bà kể về cha Quynh: Từ năm cha 18 tuổi, mẹ con cách biệt không còn gặp được nhau. Năm 1952, khi cha chịu chức linh mục bên Pháp thì ở nhà Chúa gọi ông cố ra khỏi thế gian. Năm 1954, cha về nước, có nhắn tin cho gia đình là đừng di cư vào Nam. Nhưng ở quê hương Phát Diệm người ta khuyên chúng tôi đừng có nghe cha Quynh. Dù cha là linh mục cộng sản thì cũng không cứu được gia đình khỏi bị đấu tố lúc cải cách ruộng đất. Ngay Đức cha Lê là bạn thân với ông Hồ, là cố vấn cố vít gì đấy mà cũng còn phải xa chạy cao bay…Tôi nghĩ họ nói đúng. Vì con tôi còn bị tù đày thì làm sao mà bảo đảm được cho gia đình khỏi khốn khó…
Ngừng một lát, bà cố lại thều thào tiếp: Bây giờ hết chiến tranh rồi. Đất nước thống nhất rồi. Tôi phải ăn bo bo như nhai hạt ni lon thế này thì làm sao mà sống nổi…Có hai người em trai cha Quynh theo quân đội Cộng hòa, năm 1975 đã di tản sang Mỹ. Không biết vì không có tiền của dư dật, hay vì sợ liên lụy đến người nhà mà chẳng dám gửi thư từ, quà cáp gì về cho mẹ, cho con. Mấy thằng cháu nội tôi bây giờ cũng nghèo khổ lắm. Hàng ngày phải chạy xe ôm kiếm sống. Nhà ở xóm bên cầu Chữ Y đó…Còn cô Quyên, vợ liệt sĩ, được quân đội tặng cho căn hộ này. Giờ người ta bảo đây là tài sản của quân ngụy, nên là chiến lợi phẩm của quân ta. Gia đình không còn quyền sở hữu căn hộ nữa, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà thì mới được tiếp tục ở.
Từ khi thống nhất đất nước, tôi muốn về ngoài Bắc, về Hải Phòng ở với cha Quynh. Nhưng cha không muốn cho tôi về. Thế đấy...ngày xưa tôi di cư thì nhắn tin bảo tôi đừng đi. Ngày nay tôi muốn về Bắc thì lại nhắn tin bảo tôi đừng về… Có một bà người Xâm Bồ, cũng chạc tuổi ông, xem ra nhà khá giả, năm ngoái vào đây thăm tôi. Bà ấy muốn đón tôi về Hải Phòng ở. Bà đó nói: “Cha Quynh không muốn cố ở bên cha thì cố ở với con. Thỉnh thoảng con chở cố vào Tiên Lãng thăm cha rồi lại về Xâm Bồ.” Bà ấy có lòng tốt, nhưng tôi không dám nhận lời vì sợ phật ý con tôi.
Tôi hỏi bà cố:
- Bà có biết làm sao cha không muốn bà về Hải Phòng không?
- Biết chớ! Tôi là mẹ. Tôi hiểu rõ con tôi. Con tôi đã dâng mình cho Chúa, đã chấp nhận từ bỏ mình theo Đức Kitô, thì không được phép vấn vít với cha mẹ, không được màng tưởng chuyện vợ con nữa.
***
Cô Quyên đã về. Cô trao tiền cho tôi. Nói là bán xong hết số hàng rồi. Tôi không ngờ cô bán được nhanh thế. Tôi nhẩm trừ tiền vốn ra, còn được dư ra hơn một vé tàu xe. Tôi vui mừng gửi lại cô chút tiền nói là để mua quà cho bà cố, nhưng cô nhất định không nhận.
Cô Quyên bảo tôi:
- Bác chẳng nói ra thì em cũng biết hoàn cảnh bác rồi. Đàn ông phải đi mua bán thế này là cực bất đắc dĩ lắm. Bác còn cần tiền về mà.
Tôi ngượng ngùng nói:
- Tôi có mấy người con họ hàng nữa. Tôi sẽ đến thăm họ. Chắc rằng cũng được suất tiền về.
Cô Quyên lắc đầu bảo:
- Trước đây thì người Nam gặp người Bắc để nhận họ. Còn người Bắc gặp người Nam để nhận hàng. Mười năm giải phóng rồi! Bây giờ người Nam cũng nghèo khổ như người Bắc vậy thôi. Đừng hy vọng gì. Chỉ có tiền ở trong tay mình mới chắc là mình có.
Tôi áy náy mà chả biết nói sao. Chiều hôm ấy, sau khi ăn cơm xong, tôi chào từ biệt bà cố và cô Quyên.
***
Tôi có mấy người anh người chị con ông bác đều ở quanh khu nhà thờ Thị Nghè. Các anh các cháu lại tham gia phục vụ nhà xứ. Tôi vào nhà xứ hỏi là tìm ra người nhà ngay.
Anh Hương tôi ở ngay sau nhà thờ Thị Nghè, lúc ấy đang làm việc trong Hội đồng giáo xứ. Anh là một trí thức công chức trong văn phòng Bộ Ngoại giao chế độ cũ. Trước khi di cư, gia đình anh ở phố Hàm Long Hà Nội.
Anh em tôi còn nhớ mặt nhau. Cuộc gặp gỡ vồn vã thân tình. Tối hôm ấy chúng tôi tâm sự đến rất khuya. Anh hỏi tôi ở Hải Phòng có biết cha Quynh không? Tôi đã kể cho anh nghe sơ sơ về cha Quynh. Anh ấy bảo cha Quynh lạ lắm. Anh đã được nghe cha Quynh giảng ở nhà thờ Hàm Long từ khi cha mới ở Pháp về. Nghe cha giảng mình mới ngộ ra nhiều điều. Hiểu Đạo khác hẳn. Sống Đạo cũng khác hẳn trước.
Tôi hỏi anh:
- Ở miền Nam, trong chế độ cũ, Giáo Hội được tự do, được chính quyền ưu ái, được học hành đào tạo thuận lợi, chắc cũng phải có nhiều cha giỏi.chứ?
- Giỏi thì có, thạc sĩ Thần học, tiến sĩ Kinh Thánh nhiều. Song chẳng ai được như cha Quynh cả.
- Tại sao lại có tình trạng vậy?
- Bởi vì ở đây giáo quyền đi sâu vào thế quyền. Có nhiều phong trào, nhiều phe cánh khác nhau. Mấy ông giỏi giang một chút lại lao vào trong vòng xoáy thời cuộc nên bị chia rẽ. Không toàn tâm toàn ý phục vụ Giáo Hội như cha Quynh.
Ngừng một lát, anh tôi tiếp:
- Công bằng mà nói, thời gian qua Giáo Hội miền Nam cũng có công dựa vào thời thế mà bành trướng, mà phình ra về bề rộng. Còn đổi mới bộ mặt, phát triển chiều cao thì chưa có gì đáng kể.
Tôi nghe anh Hương nói mà thấy phấn khích trong lòng. Không phải cha hát mà con khen hay. Hôm nay, được nghe mãi tận miền Nam cũng khen hay. Dầu sao đây mới chỉ là một ý kiến cá nhân.
***
Tôi đi thăm thân mẫu cha về được mấy tháng thì nghe tin bà cố qua đời. Cha Quynh vẫn còn chưa được giải quản. Cha đã cử cha Uy là con trưởng vào miền Nam chịu tang thay cha.
Nghĩa tử là nghĩa tận. Thế mà cả ông cố, bà cố qua đời, cha đều không về được. Để làm môn đệ của Đức Kitô, cuộc đời cha đã chịu bao hy sinh gian khổ. Điều đó ai cũng thấy.
Tuy nhiên, cha còn một đau đớn âm thầm, một mất mát to lớn mà ít người biết. Đó là chịu hy sinh cả người mẹ muốn gần con cũng không được, để giữ tròn Ơn Gọi tận hiến.
Tôi may mắn được hầu chuyện cố trước khi cố qua đời. Lời cố nói như còn văng vẳng bên tai tôi:
Tôi là mẹ. Tôi hiểu rõ con tôi. Con tôi đã dâng mình cho Chúa. Đã chấp nhận từ bỏ mình theo Đức Kitô, thì không được phép vấn vít với cha mẹ, không được màng tưởng chuyện vợ con nữa.
57. MẤY LINH MỤC UBĐKCG THĂM CHA
Đầu tháng 11 năm 2002, ba ngày giảng thường huấn cho các cha trong Giáo phận xong, cha Quynh khi ra về, có ghé vào nhà tôi. May quá! Tôi đang muốn hỏi cha một điều. Đó là tại sao cha lại có bài viết trên báo NGUYỆT SAN CÔNG GIÁO & DÂN TỘC, một tờ báo của Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Sài gòn.
Các tu sĩ, các linh mục khác có bài viết trên báo này thì tôi chẳng bận tâm thắc mắc. Đây lại là cha Quynh, một cha đã tích cực góp phần xóa sổ UBLLCG ở miền Bắc. Và khi nó được đầu thai thành UBĐKCG, phát triển ở trong Nam, cha Quynh đã có ngay thư vào cho Đức Tổng Giám mục Bình. Không những có thư, ngài còn trực tiếp vào tận nơi để khuyến cáo Đức Tổng rõ là tổ chức này chưa hợp thức luật Giáo hội (chuyện số 54).
Giờ cha Quynh có bài báo trong đó. Phải chăng cha đã cộng tác với họ?
Cha Quynh nghe tôi hỏi. Cha cũng ngớ ra không hiểu. Tôi đưa cha xem tờ báo số 95 ra tháng 11/2002. Bài báo có tựa đề: “Người Công giáo thờ cúng tổ tiên”. Lúc ấy cha mới vỡ nhẽ. Họ đã ra Tiên Lãng thăm cha, họ vớ sách của cha viết, rồi đem về trích đăng.
Thế rồi cha kể cho tôi nghe mấy linh mục “Đoàn Kết” trong Sài Gòn đến Đông Xuyên gặp cha. Gồm có cả bộ ba: TBC, TC và PKT. Qua màn chào hỏi xong, linh mục TBC tấn công phủ đầu cha ngay:
- Cha Quynh à! Tôi ra gặp cha là để trách cha. Tôi coi cha như anh cả. Thế mà khi cha thấy tôi sai, cha không ngăn cản tôi, không bảo tôi, để tôi sai mãi. Đến giờ tôi không lùi được nữa rồi…mắc bẫy rồi…
Cha Quynh trả lời:
- Tôi làm sao ngăn cản được các cha. Đường quang không đi, lại đi quang vào đường rậm. Mắc bẫy là đúng rồi. Bây giờ chỉ còn một cách…
Mấy cha nháo nhác hỏi:
- Cách gì. Cha nói mau xem nào.
- Cách các cha có đủ can đảm thừa nhận hết lỗi với Giáo Hội. Và từ bỏ vướng mắc chuyện vợ con không?
Linh mục PKT lắc đầu:
- Không đủ can đảm. Không lùi được nữa…Có muốn lùi cũng không lùi được cha ơi!
Cha Quynh bảo:
- Phản lại Chúa thì khổ lắm.
Khi ba cha “Đoàn Kết” cáo biệt ra về, thấy trên bàn viết của cha Quynh có mấy quyển sách mỏng liền cầm lên xem. Đó là bộ sách cha viết về chủ đề “Công giáo và văn hóa dân gian Việt Nam” gồm sáu tập:



  1. Tứ bất tử.


Các vị thấy là lạ mắt, muốn xin mang về đọc thử. Ai ngờ các vị ấy lại đưa lên báo.
Hôm ấy cha Quynh đã thân mật tiễn các vị ra tận xe. Các vị đó vẫy chào cha. Cha nhắc lại:
- Xin các cha nhớ cho: Phản lại Chúa là khổ lắm đấy!

Lời cuối sách
Cha Quynh là một trong mấy cây đại thụ hiếm có của Giáo Hội miền Bắc Việt Nam thời Xã hội Chủ nghĩa. Cuộc đời cha đầy ắp hoạt động và sự kiện, lại còn biết bao giai thoại lưu truyền trong dân gian nữa.
Đương nhiên viết về cha chỉ có ngần này chuyện là còn khiếm khuyết rất nhiều. Nhưng vì thời gian eo hẹp, người chép chuyện chưa có hoàn cảnh tổng hợp hết những ghi chép và kiểm chứng lại tư liệu có trong tay.
Ngay mười linh mục con cha, ắt hẳn có nhiều mẩu chuyện sâu sắc thú vị, song tôi vẫn chưa khai thác được. Tôi đã đến cha Uy, cha Luân, cha Thông…đều thấy các ngài lúc nào cũng bận rộn với công việc mục vụ. Chẳng có ai nhàn rỗi để mà ngồi nói chuyện cổ tích thời nay.
Cả một chương những giai thoại như tựa đề tập sách đã nêu, tôi đành phải gác lại. Một chương tôi định giới thiệu các tác phẩm thần học đầy tính khai phá cha đã viết, nhưng tôi đuối sức vẫn chưa làm nổi.
Ngay những điều tôi đã viết ra rồi cũng lo không tránh khỏi sai sót lầm lẫn. Vì phần nhiều chỉ ghi lại bằng trí nhớ chứ không có phương tiện ghi âm tại chỗ.
Vì thế, rất mong được các cha, các thân hữu và người đọc thông cảm, lượng thứ, chỉ bảo cho những chỗ còn khiếm khuyết. Để nếu còn có lần sau thì người chép chuyện sẽ sửa chữa, bổ sung cho hoàn hảo hơn.
Trước khi tạm khép lại cuốn sách, hôm 1/1/2012, tôi có vào Đông Xuyên gặp để chúc tết cha, đồng thời muốn phỏng vấn cha thêm vài điều.
Thưa cha. Cha đã sống trên mảnh đất này được tròn 40 năm rồi. Những việc gì cha đã làm được và những việc nào cha còn đang làm dở dang?
Cha nằm trên giường bệnh thều thào:
- Chả có việc gì xong. Việc nào cũng còn dở dang.
- Thưa cha. Con nghĩ là cha quá khiêm tốn nói vậy thôi. Nhất định cha đã làm xong được nhiều việc.
- Không phải là khiêm tốn đâu. Sự thực là thế. Xây dựng cộng đoàn Kitô giáo, đổi mới tâm hồn dân Chúa, giảng dạy giáo lý, đào tạo người đi truyền giáo…Những việc ấy, ông bảo làm như thế nào là xong, là đủ?
- Thưa cha. Con nghĩ như mối thù truyền kiếp Xuân Lai-Xuân Hòa, cha đã hóa giải xong.
- Không phải một mình tôi làm được. Toàn dân cùng làm. Các cha nghĩa tử của tôi cũng góp công sức vào làm. Bắt đầu từ bốn năm năm nay, đã lấp xong mương, đang làm đường rộng 8 mét đổ nhựa. Nhà nước làm thì còn một năm nữa mớí xong. Các cha sợ tôi không kịp nhìn thấy con đường Hòa Bình nên đã góp tiền để nhà nước và ông Quynh cùng làm. Cha Thiều hàng ngày có mặt trên công trường, quyết tâm đốc thúc để đến lễ Ngọc Khánh của tôi là hoàn thành.
- Vâng thưa cha, thế là đã xong được một việc lớn. Lấp được con mương là lấp được hận thù.
- Hữu hình là thế. Nhưng vẫn còn cái khối tức tối vô hình ở trên không. Cái ác vẫn còn để lại dấu tích trong lòng đất, cỏ cây, vẫn còn tồn tại theo con người về đời sau.
Ôi nghe bố già thều thào nói, đúng như cô Maria Chuyên nhận xét: “Cái vóc dáng nhỏ bé hình như chẳng xứng với tầm cao, chiều rộng của một con người đầy chất Kitô.”
Để tạm có lời kết cho tập sách, tôi xin mượn lời một bài thơ tôi đã viết về cha trong dịp ngài được phong tước Đức Ông năm 2009.
MỘT LINH MỤC HẢI PHÒNG
Tôi muốn viết một bài trường ca
Để ca ngợi cuộc đời một linh mục.
Nhưng tài hèn, ngôn ngữ tôi bất lực.
Ôi vị cha già khiêm nhường! Nhưng vẫn lừng danh.
Ngài là cây đại thụ của Giáo Hội Miền Bắc Việt Nam.
Sống âm thầm mà kiên cường oanh liệt
Sống triệt để Tin Mừng: luôn chọn con đường “cửa hẹp”
Nửa thế kỉ qua, ngài đã về phục vụ Hải Phòng
Giữa một thời đầy biển động bão dông
Có ngài, con thuyền Giáo phận bập bềnh mà không đắm.
Bao thế hệ linh mục nhờ ngài dưỡng dục uốn nắn
Đã làm nên bản sắc Công giáo Hải Phòng hôm nay.
Tám nhăm tuổi rồi! Nay ngồi xe lăn vẫn hăm hở mê say,
Vẫn viết sách, dốc toàn tâm cho Giáo Hội.
Dẫu chỉ là cha xứ nhà quê đồng nội.
Nhưng óc tim trăn trở cả đại trùng dương.
Thân bất toại, trí vẫn rảo khắp muôn phương
Sức đã kiệt, tâm hồn vẫn ứ đầy sức sống
Tuổi đã cao, vẫn cùng giới trẻ bay bổng
Quỹ thời gian còn ít, càng mê mải làm nhiều.
Ôi vị cha già cả Giáo phận Hải Phòng mến yêu!
Là món quà quý Chúa ban cho Giáo phận.
Chúng con xin tạ ơn và ghi nhận
Cha Phạm Hân Quynh mãi mãi là linh mục Hải Phòng.
Tháng 7/2009
http://googletienlang.blogspot.com/2012/07/cha-quynh-con-nguoi-su-kien-giai-thoai_26.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét