Lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/09/2012)
Tại đất nước Lithuani, một trong những nước Cộng hòa độc lập khỏi Liên Sô thuộc vùng vịnh Baltic, có một ngọn đồi danh tiếng mà năm 2001,
tổ chức Unesco của Liên Hiệp Quốc đã xếp hạng là kiệt tác di sản văn
hóa thế giới. Đó chính là ngọn đồi mang tên Kryziu Kalnas (theo ngôn ngữ
Lithuania) hay Đồi thánh giá, ngọn đồi của tình yêu, hòa bình, niềm hy
vọng, và đức hi sinh. Theo lịch sử, từ thế kỷ 14, trên ngọn đồi nầy đã
xuất hiện các Thánh Giá. Và rồi kể từ đó, qua bao nhiêu thăng trầm lịch
sử, hàng trăm ngàn Thánh Giá đủ mọi hình thức, kích cở, đã được mang đến
đặt nơi đây như dấu chỉ của niềm tin, hy vọng, sự chiến thắng, yêu
thương, tha thứ. Và cho dù đã bao lần bị san
bằng, giải tỏa, xóa sạch, nhưng niềm tin vào thánh giá lại khiến dân
Lithuani và khách hành hương khắp nơi mang thánh giá đem về dựng lại để
hôm nay vẫn sừng sững một ngọn đời Thánh Giá độc nhất vô nhị trên thế
giới.
Thánh giá, thập giá là gì mà đã trở thành một biểu tượng lạ lùng như thế.
Mà không chỉ Thánh Giá xuất hiện trên ngọn đồi ở Lithuani, nhưng
Thánh Giá hiện diện khắp nơi trên mọi vùng miền thế giới, trên các tháp
chuông giáo đường, trong biết bao căn hộ gia đình, trên cổ, trên ngực
của biết bao con người nam nữ trên thế giới. Người ta cũng tìm thấy hình
ảnh Thánh Giá được thể hiện nơi các cầu thủ bóng đá khi ra vào sân cỏ,
nơi các thí sinh khi sắp sửa bắt đầu cuộc thi...
Hôm nay, Phụng Vụ mời gọi chúng ta dừng lại để suy nghĩ về chính mầu
nhiệm nầy, mầu nhiệm Thánh Giá trong một ngày lễ mang tên Suy Tôn Thánh
Giá.
1. Đi tìm ý nghĩa cuối cùng của huyền nhiệm thập giá :
Lịch sử thế giới cho tới buổi chiều Thứ Sáu cách đây gần 2000 năm,
khi 3 cây thập giá được dựng lên trên Đồi Sọ gần thành Giêrusalem để
đóng đinh 3 tên tội phạm, trong đó có Giêsu người Na-da-rét, thập giá đó
vẫn là biểu tượng của khổ đau, ô nhục, thấp hèn, thất bại, là đêm tối
của tử thần và thất vọng, của bất hạnh và buồn tênh...
Chỉ sau biến cố đau thương trên đồi Canvê của hai ngàn năm trước,
và cách riêng, đối với những ai tin và chọn Đức Kitô là Đấng Cứu Thế,
là Đấng đã phục sinh từ cõi chết, thì thập giá đã trở nên Thánh Giá,
hình ảnh thập giá, hay những thực tại mang tên “thập giá” (buồn đau, bất
hạnh, khổ ải, gian truân…) đã mang một “dáng đứng khác” : dáng đứng của
chiến thắng và vinh quang, dáng đứng của phục sinh và hy vọng, dáng
đứng của tình yêu và hy tế, như ca nhập lễ trong ngày lễ hôm nay đã mượn
lời của Thánh Phaolô trong thư Galat 6,14 để hân hoan tấu hát :
“Niềm vinh dự của Chúng ta chính là Thập Giá Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta. Nhờ Người, chúng ta được cứu độ, được sống và được phục sinh ;
chính Người cứu độ và giải thoát chúng ta”.
Hay như kinh Tiền Tụng đã chú giải :
“Thật vậy, xưa vì cây trái cấm, loài người chúng con phải tử vong,
nay nhờ cây thập giá lại được sống muôn đời ; và ma quỷ xưa chiến thắng
nhờ cây trái cấm nay thảm bại vì cây thập giá của Đức Kitô, Chúa chúng
con”.
Hình tượng thánh giá còn được tô điểm và phong phú hóa như là một
loài cây quý hiếm và tươi thắm diễm lệ, hoa trái tràn đầy, như lời trong
kinh “A Rất Thánh Giá” mà chúng ta vẫn đọc mỗi ngày thứ sáu :
“Khen cây thánh giá ở giữa rừng phàm, nên giống báu lành, nên cây
sang trọng, nên đơn linh nghiệm, nên tàu vượt qua biển hiểm thế nầy….Cây
thánh giá tốt lành rất mực dìm dà êm mát, bóng che thiên hạ khỏi chốn
hỏa hình. Cội rễ, nhành lá, búp bông, hoa quả. Từ xưa nhẫn nay, cây nào
dám ví bằng cây thánh giá, từ cây thánh giá chở mình Chúa Cả đóng đinh
trên cây thánh giá”…
Như thế, chúng ta có thể khẳng định như một lời tuyên xưng : Cái chết
và sự phục sinh của Đức Kitô đã biến đổi hoàn toàn ý nghĩa của thập giá
; hay nói cách khác, chỉ trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Đức
Kitô, ý nghĩa và gương mặt đích thực của thập giá phản ảnh qua những
thực tại nhân sinh như khổ đau, hoạn nạn, ưu sầu, bất hạnh… mới tìm được
tiêu đích và điểm tựa cuối cùng, mà chúng ta có thể tóm tắt như sau :
- Thập giá : điểm đến cuối cùng của hành trình tự hạ và yêu thương của Đức Kitô
- Sự tự hạ thẳm sâu trong hành trình nhập thể : “Đức Giêsu Kitô
vốn dĩ là Thiên Chúa…nhưng hoàn toàn trút bỏ vinh quang…Người lại còn
hạ mình, vâng lời cho đến nổi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8)
- Là hành vi cuối cùng để làm trọn thánh ý Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nầy xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22,42),“Thế là đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)
- Là biểu hiện cao cả nhất của tình yêu : “Không có tình thương nào
cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”
(Ga 15,13)
- Thập giá : phương thế tối hảo của chương trình cứu độ nơi Đức Kitô
- Là phương thế để đem lại sự sống đời đời : “…Con Người cũng sẽ được
giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời…” (Ga
3,14-17), “nếu hạt lúa gieo vào lòng đất…nếu chết đi, nó mới sinh nhiều
hạt khác” (Ga 12,24)
- Là thời điểm quyết định sự giải thoát và cứu độ : “Phần tôi, một
khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”
(Ga 12,32)
- Là sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa : “Thật thế, lời
rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư
mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là
sức mạnh của Thiên Chúa…Trong khi người Do Thái đòi hỏi những diềm
thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi
lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thẻ chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ…” (1 Cr 1,17-25)
-Thập giá, con đường để thuộc trọn về Chúa Kitô và Hội Thánh :
- Là con đường duy nhất để thuộc về Đức Kitô : “Ai không vác thập giá
mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình,
thì sẽ mất ; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm tháy
được” (Mt 10,38-39)
- Là phần thưởng dành cho những
kẻ chọn Đức Kitô : “Chẳng hề có ai bỏ nhà của, anh em, chị em, cha mẹ,
con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vị Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời
nầy, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất,
gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.: (Mc
10,29-30)
- Là phương thế xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô : “Giờ đây, tôi
vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô
còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24)
Những ý nghĩa trên sẽ được Dân Chúa đào sâu, quảng diễn và sống theo
suốt chiều dài lịch sử, như chứng từ của biết bao nhiêu vị thánh, của
các chứng nhân anh hùng tử đạo, hoặc như cách cảm nhận thâm thúy của chị
Chiara Lubich sau đây :
Để chúng con được ánh sáng, Chúa đã trở nên mù loà.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.
Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.
Để chúng con được hiệp nhất, Chúa đã chịu xa cách Chúa Cha.
Để chúng con được khôn ngoan, Chúa đã trở nên "dốt nát".
Để chúng con được trở nên vô tội, Chúa đã trở thành người "tội lỗi".
Để chúng con hy vọng, Chúa đã hầu như tuyệt vọng.
Để Thiên Chúa ở trong chúng con, Chúa đã cảm nghiệm tình trạng bị xa cách Thiên Chúa.
Để chúng con chiếm hữu thiên đàng, Chúa đã cảm nghiệm hoả ngục.
Để cho chúng con được vui sống trên mặt đất nầy giữa hàng trăm anh chị em, Chúa đã chịu cảnh bị gạt bỏ khỏi trời đất, khỏi loài người và thiên nhiên.
Chúa là Thiên Chúa, là Thiên Chúa của con, là Thiên Chúa của tình yêu thương vô bờ bến của chúng con (CNHV trg. 148-149)
2. Cùng với Đức Kitô, sống mầu nhiệm Thánh Giá trong đời thường hôm nay :
Đón nhận thập giá trong tâm tình phó thác và cầu nguyện :
"Nầy đến giờ, và giờ ấy đã đến rồi, anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy" (Ga 16, 32).
Vâng, Đức Ki-tô hiện diện với Đức Chúa Cha, sống thân mật với
Chúa Cha đó là điều chúng ta nhận ra cách rõ nét trong bi kịch thương
khó. Trong khi đó, khi gặp đau khổ, chúng ta dễ bị ném
vào trạng thái cô độc, có khuynh hướng cắt đứt mọi mối tương quan, cả
với Thiên Chúa. Hãy cầu nguyện để chính trong những lúc đó phải là những
phút giây chúng ta hiện diện đậm đà, thân mật với Thiên Chúa.
Thánh Nữ Rosa Lima đã xác tín điều đó khi phát biểu rằng : "Ngoài Thập giá, không có chiếc thang nào khác để lên trời"
Đón nhận thập giá trong niềm cảm thông và hiệp thông với anh em đồng loại :
Trên con đường khổ giá và trong những giây phút hấp hối trên đồi
Can-vê, Chúa Ki-tô không ngừng gặp gỡ anh em để ủi an (Lc 23, 27-30), để
tha thứ (Lc 23, 43), để lo lắng, ủy thác (Ga 19, 25-27)…
Ở giữa cuộc sống đời thường hôm nay, còn biết bao nhiêu thập
giá giăng mắc trong cuộc đời quanh ta. (Như cái chết thương tâm của 8 em
học sinh ở Hà Nội trong ngày 12/9 vừa qua, hay như 14 cái chết cũng bi
đát của các anh chị em lao động nước ngoài tại Nga, như nổi đau của bé
Thùy bị mất một chân cách đây một tháng...).
Và như thế, khi phải đối diện với những đói khát, bệnh tật, khổ đau,
hắt hủi, khinh chê...chúng ta hãy bình tâm đón nhận và liên kết với bao
nhiêu khổ giá của anh chị em để cảm thông và hiệp thông trong tâm tình
của Đức Kitô.
Đón nhận Thập giá vì Đức Kitô và vì nhiệm thể là Hội Thánh :
"Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Ki-tô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh" (Cl 1, 24).
Vâng, đón nhận thập giá vì tình yêu dành cho Đức
Kitô và vì Hội Thánh, trong Hội Thánh và với Hội Thánh, để trở nên dụng
cụ cứu độ, để nối dài "Hy tế của Đấng Cứu Độ", để cùng với Đức Kitô "bị treo
lên hầu kéo mọi người lên"…đó không phải là con đường đẹp nhất và đúng
nhất của mọi Kitô hữu, đặc biệt, của những người thánh hiến đó sao ?
Chúng ta thử nghe Đức cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận chia sẻ những tâm
tình sống mầu nhiệm Thánh Giá khi ngài sống chuổi đời tù tội :
"Chúng ta có thể làm được, nếu biết nhìn trong mọi đau khổ của
bản thân và tha nhân một bóng dáng đau khổ vô biên của Chúa, một khía
cạnh, một nét mặt của Ngài. Mỗi khi đau khổ xuất hiện, chúng ta không
xua đuổi nó, nhưng tiếp nhận nó trong tâm hồn, như thể chúng ta đón nhận
Chúa. Và rồi nếu quên mình đi, chúng ta đáp ứng đầy yêu thương những gì
Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta trong giây phút hiện tại, nơi tha nhân mà
người đặt trước chúng ta…"
(CNHV trang 151-152
Và như thế, trong dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá nầy, chúng ta hãy cùng cầu nguyện cho nhau sống trọn vẹn ý nghĩa của huyền nhiệm Thánh Giá theo lời kinh của ĐHY Roger Etchegaray :
Lạy Chúa,
Xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Uớc gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng cây xanh cho một thế giới mới.
ước gì mồ hôi của con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong vườn Cây Dầu.
Uớc gì máu con
hoà lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Uớc gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng cây xanh cho một thế giới mới.
ước gì mồ hôi của con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong vườn Cây Dầu.
Uớc gì máu con
hoà lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui.
(Lời kinh đẹp nhất thiên niên kỷ, trang 36).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét